Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tác động không nhỏ đến sự phát triển của các cảng biển. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác chiến lược và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sẽ mang lại cơ hội “vàng” cho cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV).
CƠ HỘI ĐÓN CÁC TÀU LỚN
Theo một tính toán được công bố bởi Ngân hàng Thế giới cho trường hợp CPTPP thì tính đến năm 2030, lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 13,1 tỷ USD. Lượng hàng xuất khẩu tăng đồng nghĩa với khả năng các tuyến hàng hải trực tiếp đến các thị trường xuất khẩu sẽ tăng lên. Hiện hãng tàu CMA-CGM đang có kế hoạch thực hiện tuyến dịch vụ bao gồm 5 tàu với hải trình đi từ cảng TP.Hồ Chí Minh qua các cảng ở Đông Nam Á như Klang, Singapore và Jakarta, sau đó sẽ cập ba cảng lớn tại Australia: Brisbane, Sydney và Townsville và quay lại TP.Hồ Chí Minh với các tàu từ 8.000 TEUs đến 18.000 TEUs. Tuy nhiên, với kích cỡ tàu lớn, các cảng ở TP.Hồ Chí Minh không đủ năng lực tiếp nhận nên chắc chắn hãng tàu này sẽ tìm đến CM-TV. Một khi CMA-CGM là hãng triển khai đầu tiên và nếu thành công, những hãng tàu lớn khác trên thị trường Australia và New Zealand như Maersk, COSCO, Ocean Network Express… chắc chắn sẽ có những khởi động mang tín hiệu tốt cho CM-TV.
Trong khi đó, thông tin từ hãng tư vấn Alphaliner (tổ chức nghiên cứu hàng hải hàng đầu thế giới), hiện nay, cỡ tàu 10.000-21.000 TEUs (chiều dài tàu từ 350m đến trên 400m) chiếm 34% tổng số tàu vận tải container đang hoạt động và chiếm 77% số lượng tàu đặt đóng mới (đặc biệt hãng tàu Hàn Quốc như Hyundai Merchant Marine đã đóng 12 chiếc với sức chở lên đến 23.000 TEUs (tương đương với 250.000 DWT). Từ những con số trên cho thấy, ở Việt Nam chỉ có cụm cảng CM-TV và cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) mới đủ điều kiện tiếp nhận. Đây là cơ hội tốt cho CM-TV trong việc đón thêm nhiều chuyến tàu mẹ đi châu Âu, châu Mỹ trong thời gian tới. Các hãng tàu như Hapag-Lloyd, Hyundai, ZIM, Yang Ming… đều đã đưa các tuyến dịch vụ kết nối Việt Nam – Ấn Độ vào các cảng nước sâu ở Việt Nam. Hay một số hãng mạnh trên thị trường châu Phi như Maersk, ZIM, MOL đã từng đưa tàu trực tiếp từ các nước châu Phi về cảng TCIT và TCTT ở CM-TV để dỡ lượng hàng hạt điều thô nhập về Việt Nam. Còn theo đại diện cảng Quốc tế SSIT (nằm trong cụm cảng CM-TV) cho biết, gần đây, hãng tàu MSC đang có kế hoạch cuối năm 2019 sẽ đưa thêm tàu chạy tuyến nội Á cập SSIT.
DN CẢNG ĐÃ SẴN SÀNG?
Để đón nhận các cơ hội từ các FTA, các DN cảng biển cũng đã có nhiều động thái tích cực. Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng CMIT, hiện mỗi ngày tại CM-TV có 2 tàu mẹ đi thẳng đến hai bờ nước Mỹ, 1 chuyến tàu lớn đi thẳng các nước châu Á, trung bình 3 ngày có một chuyến tàu đi thẳng châu Âu. Với tần suất này, CM-TV đang là một trong những cảng cạnh tranh nhất ở ASEAN, sau Malaysia và Singapore và đáp ứng được nhu cầu đi lại, làm hàng của các hãng tàu lớn khi cập cảng. Để đón nhận các cơ hội, bên cạnh năng lực đón nhận và làm hàng cho các tàu mẹ tuyến xa với trọng tải lên đến 194.000DWT, CMIT tiếp tục duy trì chất lượng dịch vụ tốt, an toàn cao trong vận hành khai thác cảng, năng suất xếp dỡ cao và ổn định, cũng như triển khai thực hiện các giải pháp công nghệ hỗ trợ hoạt động kinh doanh khai thác cảng.
Trong khi đó, theo ông Trần Khánh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) cho biết: TCIT đã đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại, nâng tổng số lượng cẩu bờ lên 11 chiếc, trong đó có 1 cẩu bờ có tầm với 24 hàng mới đưa vào hoạt động; 22 cẩu bãi; 10 xe đầu kéo và 2 xe nâng, cùng nhiều trang thiết bị khác.
Tuy nhiên, các DN cảng biển cho rằng, với xu thế hiện nay của ngành hàng hải, các tàu cập CM-TV đã và đang tăng kích cỡ nhanh chóng, các tàu tuyến đi Mỹ tăng đến 14.000 TEUs, các tàu đi châu Âu tăng kích cỡ đến 18.000 TEUs. Đây là tín hiệu rất tốt nhưng cũng là thách thức lớn cho CM-TV.
Thực tế cho thấy, các cảng container quốc tế khu vực CM-TV được thiết kế với cầu cảng dài khoảng 600m, phục vụ 2 tàu kích thước 280m vào cảng cùng một thời điểm. Với quy mô các kích cỡ lớn như hiện nay, chỉ có thể đón được 1 tàu. Ngoài ra, các cảng cạnh nhau được phân định bởi “hàng rào” ngăn cách. Việc mỗi DN cảng quản lý 1 bến cảng nhỏ không chỉ gây khó khăn cho việc cùng lúc đón nhiều tàu trọng tải lớn, mà còn gây lãng phí về công suất của cầu cảng, trang thiết bị nhàn rỗi của nhau, hàng hóa luân chuyển giữa các cảng cạnh nhau vẫn phải đi vòng qua các cổng khác nhau làm gia tăng thời gian, chi phí… Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Tuấn Dũng, phụ trách khai thác hãng tàu CMA tại Việt Nam cho biết, từ năm 2018, nhiều hãng tàu tiếp tục lên kế hoạch tăng các chuyến tàu lớn (từ 10 ngàn TEUs trở lên) đến CM-TV nhưng do “kẹt” cầu cảng phục vụ tàu, nên một số hãng tàu buộc phải bỏ kế hoạch cho tàu ghé CM-TV. Do đó, đã đến lúc khu vực CM-TV cần tạo thành “liên minh bến cảng” nhằm khai thác tối đa lợi thế trong việc đón tàu container cỡ lớn.
Ngoài ra, với tình trạng tàu ra vào CM-TV vẫn phải phụ thuộc vào thủy triều như thời gian qua sẽ là một bất lợi để “giữ chân” các hãng tàu. Ông Boris Cohen, Tổng Giám đốc hãng tàu MSC cho rằng: Với những tàu có kích cỡ lớn 18.000 TEUs, các hãng tàu đều có yêu cầu rất cao về tính hiệu quả khai thác và bảo đảm chặt chẽ hành trình cập cảng. Do vậy, một trong những tiêu chí quan trọng để hãng tàu có quyết định về CM-TV hay không là mớn nước sâu phải bảo đảm cho hành hải 24/7 trên luồng mà không phụ thuộc vào thủy triều. Do đó, Bộ GT-VT và các cơ quan ban ngành cần triển khai sớm việc nạo vét luồng hàng hải vào cụm cảng CM-TV đạt độ sâu đến -15,5m.
Còn theo ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT, hiện phí và lệ phí hàng hải cho các tàu ra vào khu cảng CM-TV đang được áp dụng Thông tư 261/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, theo đó các tàu mẹ trọng tải có dung tích từ trên 50.000 GT được giảm 40% mức phí trọng tải và phí bảo đảm hàng hải cho đến hết năm 2020. Chính sách này đã mang lại hiệu quả tích cực đến việc thu hút các hãng tàu là số tuyến tàu mẹ tăng từ 8 tuyến trong năm 2013 lên 23 tuyến trong năm 2019. Vì vậy, Sở GT-VT đang đề nghị các bộ, ngành sẽ tiếp tục áp dụng mức ưu đãi này trong những năm tới. Đồng thời, kiến nghị Bộ GT-VT làm việc với Bộ Tài chính để nghiên cứu chính sách ưu đãi về phí hàng hải cho tàu có trọng tải dưới 50.000 DWT để khuyến khích tàu tuyến nội Á ghé CM-TV.
Tin liên quan