Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) ký kết với cơ chế ngày càng mở hơn, lĩnh vực vận tải biển Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức và cạnh tranh khắc nghiệt hơn.
Đội tàu Việt Nam ít được hưởng lợi
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam được ký vào ngày 30/6/2019. Theo cam kết của EVFTA, vận tải biển là một trong những lĩnh vực Việt Nam sẽ mở rộng cửa cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU so với các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Về nghĩa vụ, các bên phải áp dụng các nguyên tắc tham gia không giới hạn vào thị trường hàng hải quốc tế và các giao dịch trên cơ sở thương mại và không phân biệt đối xử.
Đề cập đến tác động của EVFTA, ông Đỗ Xuân Quỳnh, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN cho biết: “Các hãng tàu biển nước ngoài sẽ tự tổ chức làm một chuỗi dịch vụ logistics với mạng lưới nhà máy sản xuất trong tay, từ vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất đến giao thành phẩm tại các nhà máy ở Việt Nam đi các thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu. Khi đó, đội tàu Việt Nam hoặc đứng ngoài “cuộc chơi” hoặc phải đi làm thuê cho các hãng nước ngoài. Ngoài ra, các dịch vụ trước đây mình có thể làm được như đại lý tàu biển cho các hãng tàu nước ngoài, khi cơ chế mở cửa, các hãng tàu ngoại sẽ tự làm mà không cần sự trung gian”.
Ông Nguyễn Tương, Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN cho rằng, Hiệp định EVFTA được ký kết, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu với một lộ trình ngắn. Hiệp định cũng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; hơn 42% vào năm 2025 và hơn 44% vào năm 2030. Hàng hóa xuất nhập khẩu tăng đồng nghĩa hoạt động dịch vụ vận tải cũng tăng lên đáng kể.
“Tuy nhiên, trên thực tế, hàng đi châu Âu chủ yếu là hàng container, việc vận chuyển vốn được đảm nhiệm bởi những con tàu lớn của các hãng nổi tiếng như: CMA – CGM, Maersk Line… sức chở đến 18.000 TEUs vào tận cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải (CM-TV) lấy hàng. Trong khi đó, hầu hết tàu container Việt Nam sức chở chỉ khoảng 1.000 TEUs trở lại, chỉ có thể chở hàng nội địa hoặc trong vùng Nội Á, khó có thể “nhòm ngó”, thâm nhập cạnh tranh và hưởng lợi trong thị trường hàng hóa đi châu Âu”, ông Tương nói.
Cải thiện năng lực đội tàu già để “vượt sóng”
Trước những thách thức trên, ông Nguyễn Tương cho rằng, thị trường hàng hóa được mở rộng, các đội tàu của Việt Nam cần tăng cường liên doanh, liên kết với các hãng vận tải nước ngoài để tham gia dịch vụ gom hàng, khơi thông bế tắc trong hoạt động khai thác, kinh doanh.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q.Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) cho rằng, năng lực hiện có và xu thế tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng hải quốc tế đã và sẽ gây áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trên những tuyến quốc tế đối với các hãng tàu Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Tĩnh, trong khó khăn vẫn có những cơ hội. Với cam kết trong EVFTA, thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thuộc EU sẽ tăng lên đáng kể. Trong khi đó, có tới 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được thực hiện qua đường biển. Điều này kéo theo tỷ trọng hàng hóa các tuyến vận tải biển Bắc – Nam và Đông – Tây chắc chắn gia tăng.
“Để tăng sức cạnh tranh, vận tải biển Việt Nam cần tập trung cải thiện giá thành và hiện đại hóa đội tàu và các cảng biển”, ông Tĩnh cho hay.
Riêng về Vinalines, theo ông Tĩnh, đơn vị đã có những nghiên cứu đánh giá nhằm đưa ra những chiến lược kinh doanh cho đội tàu của tổng công ty trong giai đoạn sắp tới.
“Cụ thể, giai đoạn 2019 – 2020, Vinalines đã xây dựng kế hoạch thanh lý, chuyển giao là 23 tàu. Mục tiêu đến năm 2020, đội tàu của Vinalines sẽ có tổng trọng tải khoảng 1,1 triệu DWT, tuổi tàu bình quân khoảng 14 tuổi với cơ cấu đội tàu gồm: Tàu container chiếm 13%, tàu hàng lỏng chiếm 9%, tàu hàng khô và hàng rời chiếm 78%. Cùng với việc thanh lý tàu già, khấu hao cao, hoạt động kém hiệu quả, Vinalines cũng nghiên cứu đầu tư đội tàu mới có công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu dưới hình thức mua hoặc thuê mua nhằm tăng cường năng lực vận tải trên toàn tổng công ty, tăng khả năng cạnh tranh khi thị trường vận tải biển phục hồi”, ông Tĩnh thông tin.
Tin liên quan